Ông chủ Hoàng Anh Gia Lai nhìn nhận vấn đề này qua hai góc độ. Ở góc độ thứ nhất, ông khẳng định nhiều cầu thủ được ông nuôi nấng, chăm bẵm từ bé đến khi cứng cáp là tính chuyện ra đi theo tiếng gọi của đồng tiền. Những cầu thủ như thế ông cho đi luôn. Ông không thiếu tiền nhưng bảo ông phải bỏ tiền để giữ lại bằng mọi giá thì không bao giờ.
Cầu thủ Việt hết "mất dạy" rồi bầu Đức ơi
Ở góc độ thứ 2, thói hạch sách, dở trò, dở chứng, ông sẽ kiên quyết trị đến cùng. Có điều, con ngựa bất kham mang tên “giá cầu thủ” đang phi nước đại ở đời sống bóng đá nước nhà. Đó là sự vô lý khiến ông phải trăn trở.
Hơn một năm sau, bầu Đức không cần phải trăn trở về vấn đề "mất dạy" của cầu thủ. Những năm trước, như bầu Đức đã phân tích, nguyên nhân chính xuất phát từ giá cầu thủ phi nước đại. Bây giờ, hãy nhìn mà xem, giá cầu thủ cũng phi mã, nhưng là... phi xuống.
Công Vinh là một bằng chứng. Một năm về trước, người ta đồn rằng, Công Vinh nhận số tiền lót tay lên đến 15 tỷ khi chuyển từ Hà Nội T&T sang CLB bóng đá Hà Nội. Phí giải phóng hợp đồng của Công Vinh lên đến 18 tỷ đồng, tức khoảng 0,86 triệu đô, tính ra bảng 0,53 triệu bảng - bằng đúng số tiền mà Arsenal đã chi ra để mua... Cesc Fabregas từ Barcelona. Đúng là cao một cách vô lý.
Cái giá vô lý ấy đã không còn tồn tại. Bây giờ, theo nhiều nguồn tin, nếu CLB nào sẵn sàng bỏ ra 5 tỷ đồng là có thể sở hữu Công Vinh. Trong thời gian tới, giá của Công Vinh có thể xuống thấp nữa. Thậm chí, một ông bầu từng tuyên bố: "Có cho không Công Vinh tôi cũng không nhận".
Cái gì đã có bán và mua thì đều phải tuân theo quy luật cung - cầu. Cầu cao hơn cung thì giá sẽ tăng, cầu thấp hơn cung thì giá sẽ giảm. Trước đây, các ông bầu đua nhau làm bóng đá, các đội bóng sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để được lên chơi ở V-League, và khi đã lên rồi thì cố xoay xở chiêu mộ các ngôi sao, dẫn đến tình trạng giá cầu thủ phi nước đại (nói đúng hơn là phí lót tay). Giờ thì ngược lại. Các ông bầu đua nhau bỏ, các đội chẳng "ham hố" đá ở V-League, đến mức giải đấu số 1 của bóng đá Việt Nam suýt trở thành giải phong trào vì không kiếm đủ đội.
Trong bối cảnh ấy, cầu thủ đương nhiên là bên chịu "thiệt" nhất". Chính xác hơn, họ đã bị đẩy vào thế cửa dưới. Quên đi chuyện lót tay lên đến cả chục tỷ. Quên đi thói hạch sách, dở trò, dở chứng. Từ khi V-League ra đời, chưa bao giờ cầu thủ đối mặt với nguy cơ thất nghiệp cao đến thế. Có CLB nào, ông bầu nào "rước" về, được đá, được nhận lương đầy đủ hàng tháng là may lắm rồi.
Chỉ mới mùa trước, ông bầu, CLB phải treo thưởng cao, phải áp dụng chính sách thưởng nóng lớn thì cầu thủ mới chịu đá hết sức. Từ giờ, ít nhất ở mùa 2013, hãy yên tâm chuyện này không thể tồn tại. Anh không chịu đá hết sức hả? Hãy ra đường. Chỉ cần hô một tiếng, sẽ có cả tá cầu thủ khác nhảy vào ngay. Chuyện thưởng hay không sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào quan điểm của ông bầu. Đừng nhắc đến chuyện ép nhau ở đây.
Quay lại vấn đề "mất dạy" của cầu thủ mà bầu Đức từng đề cập hơn 1 năm về trước. Thực ra, nếu đã làm bóng đá chuyên nghiệp, những điều khoản của hợp đồng sẽ có tiếng nói quyết định chứ không phải là chuyện biết ơn. Khi hết hợp đồng, CLB có quyền không giữ lại hay loại bỏ (chẳng phải SLNA vừa thanh lý Văn Quyến đó sao?). Khi hết hợp đồng, cầu thủ được phép ra đi nếu thấy cần. Vấn đề tình cảm, ơn nghĩa, sự gắn bó trong quá khứ chỉ mang tính chất... tham khảo mà thôi. Như trường hợp của Fabregas, Barca vẫn ngậm ngùi nhìn anh tìm đến Arsenal và mất 8 năm mới đưa anh trở lại, nhưng với giá gấp 60 lần.
Tình trạng cầu thủ bị đẩy vào thế "muốn mất dạy cũng không được" có thể nhìn nhận ở hai khía cạnh. Thứ nhất, họ được trả về giá trị thật của họ. Thứ hai, bóng đá Việt Nam còn lâu mới được gọi là "chuyên nghiệp".
theo vietnamnet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét